Musk nổ phát súng đầu tiên báo hiệu mối quan hệ giữa “Chim xanh” và các công ty như Apple và Google có thể xoay chiều. Ông chủ mới Twitter tin rằng mức phí trên mỗi giao dịch mà họ đang phải trả cho các cửa hàng ứng dụng là quá cao. “Phí cửa hàng ứng dụng đang thu rõ ràng là quá cao do sự độc quyền của iOS và Android”,ếtđấuApplevàlịch thi đấu cúp fa Musk viết trên Twitter. “Đó như một loại thuế Internet vô hình lên đến 30%”. Trong bài đăng tiếp theo, CEO SpaceX còn gắn thẻ (tag) cả đơn vị chống độc quyền của Bộ Tư pháp, cơ quan được cho là đang điều tra các quy tắc của cửa hàng ứng dụng. Nguyên nhân sâu xa đến từ cuộc “cách mạng chi phí” mà Musk đang tiến hành tại công ty mạng xã hội phổ biến này. Theo CEO Tesla, mức hoa hồng 15% đến 30% mà Apple và Google thu đối với mỗi giao dịch in-app, đang ăn vào phần doanh thu cần thiết để “Chim xanh” tái cơ cấu toàn diện. Tham vọng tạo ra một nền tảng “tự do tuyệt đối”, đồng nghĩa với nguy cơ về nội dung độc hại, cũng có thể va chạm với những quy định của các cửa hàng ứng dụng. “Thuế Internet vô hình” Twitter và Apple là đối tác truyền thống nhiều năm qua. Từ năm 2011, “Nhà Táo” đã tích hợp sâu các tweets vào hệ điều hành iOS của hãng. Không chỉ vậy, CEO Tim Cook cũng thường xuyên sử dụng nền tảng mạng xã hội này để công bố thông tin chính thức của công ty. iPhone mới hay các đợt phát hành sản phẩm quan trọng của Apple đều được “book” quảng cáo trên “Chim xanh”. Thế nhưng, mối quan hệ giữa 2 bên đang đứng trước bờ vực thay đổi khi Musk chuyển hướng tìm kiếm nguồn thu từ việc đăng ký trả phí. Theo quy định của Apple, các nội dung kỹ thuật số gồm tiền trong game, trang phục hình đại diện hay dịch vụ thuê bao trả phí, nếu được thực hiện trên ứng dụng của iPhone, được coi là các giao dịch in-app mà “Nhà Táo” xuất hoá đơn trực tiếp cho người dùng. Do đó, công ty thu hoa hồng 30% giá trị giao dịch và giảm xuống 15% kể từ năm thứ 2. Doanh thu năm 2021 của Twitter đạt 5,08 tỷ USD. Mục tiêu của Musk với Twitter Blue - dịch vụ xác thực tài khoản (7,99 USD/tháng) là khoảng 50% doanh thu, tương đương 2,5 tỷ USD. Trong trường hợp này, Apple và Google có thể “bỏ túi” hàng trăm triệu USD tiền hoa hồng, số tiền không lớn với những đại gia công nghệ này nhưng có thể là một “miếng bánh to” với Twitter hiện giờ. Không chỉ Elon Musk bức xúc, các công ty Epic Games, Spotify, hay thậm chí cả Microsoft và Meta cũng nộp đơn ra toà, chỉ trích hệ thống và cách tính phí của các cửa hàng ứng dụng. Về giải pháp, CEO SpaceX có thể lựa chọn cách tiếp cận tương tự như Spotify: đề xuất mức giá 9,99 USD (thấp hơn) trên website, nơi công ty không phải chia phần cho Apple, trong khi đó, nếu đăng ký thuê bao Premium trên ứng dụng iPhone, người dùng phải trả 12,99 USD bao gồm cả mức phí chi cho Apple. Hoặc xa hơn, như Netflix, công ty thậm chí dừng cung cấp dịch vụ thuê bao trên hệ sinh thái Apple từ năm 2018. Cuộc chiến kiểm duyệt nội dung Ngay trước khi hoàn tất thương vụ thâu tóm Twitter với giá 44 tỷ USD, Elon Musk công khai tham vọng tạo ra một nền tảng “tự do ngôn luận” đối lập với chính sách kiểm duyệt nội dung khắt khe của các mạng xã hội đối thủ. Trong khi đó, Apple và Google cho thấy họ không mềm mỏng trước những ứng dụng vi phạm quy tắc kiểm duyệt hoặc chứa nội dung độc hại. Trong lá thư gửi đến Quốc hội Mỹ vào năm ngoái, Apple cho biết, chỉ tính riêng năm 2020 công ty đã gỡ bỏ hơn 30.000 ứng dụng trên App Store. Rõ ràng, gã khổng lồ tìm kiếm và công ty sản xuất iPhone không thiếu lý do để loại bỏ 1 ứng dụng nào đó khỏi cửa hàng của họ, chẳng hạn như yêu cầu về bảo mật hay việc tuân thủ quy tắc thanh toán. Song song với đó là xu hướng các cửa hàng ứng dụng bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn nội dung đăng tải của người dùng, đặc biệt là những bài viết kích động bạo lực hoặc sự kiểm duyệt lỏng lẻo của các nền tảng - một trong những lời cam kết của Musk với Twitter phiên bản 2.0. Trong khi đó, vào tháng 10, sau khi Musk trở thành “chief Twit”, làn sóng troll trực tuyến và bài viết kích động phân biệt chủng tộc đã tràn ngập Twitter. Cuộc tấn công được cho là bắt nguồn từ diễn đàn mở 4chan, trước khi tràn sang “Chim xanh” nhằm vào người da đen và Do Thái. Viện nghiên cứu Network Contagion cho biết, Twitter đã block không xuể các tài khoản có liên quan. Tiếp đến, kế hoạch phát hành dấu kiểm xanh lam trả phí của CEO Tesla cũng dẫn đến khung cảnh hỗn loạn khi những kẻ giả danh nhân vật công chúng, thương hiệu nổi tiếng mọc lên như nấm, khiến một số nhà quảng cáo quyết định tránh xa nền tảng mạng xã hội này, một động thái cũng lọt vào sự chú ý của các cửa hàng ứng dụng. Tuy nhiên, không nhiều khả năng Apple và Google muốn cuốn vào cuộc tranh cãi xem thông tin nào độc hại hay không. Việc bị kéo vào cuộc chiến này có thể thu hút thêm sự giám sát của công chúng hay thảo luận chính trị đối với hoạt động của công ty. Do vậy, các gã khổng lồ có thể chỉ cần trì hoãn việc phát hành các phiên bản mới bằng rào cản kỹ thuật, chẳng hạn như quy trình đánh giá ứng dụng (App-Review) thay vì đe doạ xoá hoàn toàn khỏi cửa hàng ứng dụng. Một khía cạnh khác, Washington Post cho biết Musk có kế hoạch cho phép người dùng thu phí nội dung họ sáng tạo, điều mà một số cựu nhân viên mạng xã hội này tin rằng sẽ làm bùng nổ nội dung khiêu dâm - chính sách Apple hay Google không nhân nhượng. “Các ứng dụng có nội dung hoặc dịch vụ do người dùng xây dựng cho mục đích khiêu dâm không được xuất hiện trên App Store và có thể bị gỡ bỏ mà không cần thông báo trước”, Apple từng cảnh báo. CEO Twitter cho thấy ông không hề muốn né tránh cuộc chiến với 2 gã khổng lồ công nghệ đang chi phối hệ sinh thái ứng dụng toàn cầu. Điều Elon Musk cân nhắc là những gì thu được có đáng với rủi ro trước mắt hay không. Trong kịch bản căng thẳng leo thang, “Chim xanh” sẽ đối mặt nguy cơ tốc độ tăng trưởng và doanh thu quảng cáo tiếp tục giảm sút, hoặc trong trường hợp xấu hơn, ứng dụng này hoàn toàn có thể bị “đá đít” khỏi các cửa hàng ứng dụng phổ biến. Thế Vinh |