Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, tri ân các thầy thuốc tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19, tại Bộ Y tế, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thừa nhận, những ngày chống dịch Covid-19 tại TP.HCM thực sự là một cuộc chiến, nhiều y bác sĩ chưa từng trải qua trong đời.Trong những tháng hỗ trợ TP.HCM chống dịch, GS.TS Trần Bình Giang nhớ nhất là kỷ niệm xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 thần tốc tại huyện Bình Chánh theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
|
GS.TS Trần Bình Giang |
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khá áp lực trong ngày đầu “nhận lệnh” thành lập trung tâm. “Ngày 29/7, chúng tôi đi thăm, tìm địa điểm để xây dựng trung tâm hồi sức cấp cứu, quy mô 500 giường.
Địa điểm đầu tiên được xem là ở TP Thủ Đức nhưng không phù hợp để xây dựng trung tâm hồi sức. Trưa, đoàn đến thăm một địa điểm khác và quyết định xây dựng tại đây. Xây dựng trung tâm trong thời gian ngắn như vậy, không đâu có thể làm được nếu không phải ở TP.HCM”, GS.TS Giang nói.
Việc cải tạo toàn bộ khu vực để xây dựng trung tâm hồi sức, GS.TS Trần Bình Giang kể, không đơn vị nào dám đứng ra nhận làm. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của người dân, lãnh đạo TP.HCM, trung tâm vẫn được xây dựng cấp tốc. Lực lượng y bác sĩ cùng đơn vị thi công đã làm việc xuyên ngày đêm với quyết tâm nhanh chóng thành lập trung tâm, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng.
Ngày 5/8, các y bác sĩ gồm hơn 300 người từ Hà Nội vào TP.HCM vừa hoàn thiện trung tâm vừa tập huấn về chống dịch Covid-19. Ngày 10/9, chúng tôi bắt đầu nhận người bệnh. GS.TS Trần Bình Giang dự kiến sẽ phải chống dịch tại TP.HCM khoảng 4 đến 6 tháng nhưng sau 3,5 tháng, lực lượng y bác sĩ chi viện đã có thể rút khỏi TP.HCM
Theo ông Giang, việc thành lập các trung tâm hồi sức cấp cứu có ý nghĩa quan trọng khi chia sẻ gánh nặng và tạo sự an tâm cho các y bác sĩ ở cơ sở. “Lúc đó, anh em ở cơ sở đang chịu áp lực tâm lý lớn do số bệnh nhân quá tải, bệnh nhân nặng tăng nhanh. Khi có trung tâm hồi sức chịu trách nhiệm điều trị người bệnh Covid-19 nặng, các y bác sĩ ở cở sở rảnh tay hơn để chữa trị các ca Covid-19 thể nhẹ. Bởi khi điều trị một người bệnh nặng, phải thở máy, tốn rất nhiều nhân lực và phương tiện”, ông Giang nói.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chia sẻ, điều ông ấn tượng trong suốt cuộc chiến này là tình cảm của người dân TP.HCM dành cho y bác sĩ. Lực lượng y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào chi viện 2 lần là 600 người cùng 800 người từ Bệnh viện phụ sản Trung ương và Bệnh viện Bưu điện đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của người dân TP.HCM
GS.TS Giang chia sẻ: "Các y bác sĩ vào trong đó, ngày nào cũng được chăm sóc, được tặng quà, đồ ăn, nước uống. Trên những mẩu giấy, người dân còn viết những lời động viên rất tình cảm”. Cũng theo ông Giang, khi lực lượng chi viện rút quân, còn hơn mười mấy tấn đồ ăn, nước tăng lực, sữa… do người dân TP.HCM tặng.
“Sau đó, chúng tôi bàn giao lại cho anh em đang tiếp tục chống dịch tại đây. Những món quà của bà con, nhà tài trợ gửi lại cho lực lượng tiếp tục chống dịch. Với 675 máy tạo oxy, được tặng và tài trợ, chúng tôi cũng tặng lại cho huyện Bình Chánh, Bình Tân, Quận 1…”.
Không chỉ TP.HCM được lực lượng y bác sĩ miền Bắc vào chi viện, giúp đỡ mà chính các y bác sĩ chi viện cũng nhận được tình cảm lớn, những bài học kinh nghiệm sau đợt dịch này.
Theo GS.TS Giang, có những thời điểm họ vô cùng căng thẳng, áp lực khi một ngày chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong. Nhưng y tế địa phương, cơ sở đã hỗ trợ các y bác sĩ chi viện từ những việc nhỏ nhất như thu xếp cho người mất, công tác bảo quản trao trả kỷ vật cho người thân, những vật nhỏ như chiếc nhẫn, 1 bức thư…
“Tôi xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo và nhân dân TP.HCM đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ Bộ Y tế giao. Hy vọng chúng ta không phải chứng kiến trải nghiệm này thêm lần nào nữa. Nhưng chúng ta phải đúc kết kinh nghiệm để đối phó cho các tình huống sau này”, GS.TS Giang nói.
Có mặt tại buổi gặp gỡ, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng xúc động khi dành những lời cảm ơn cho mảnh đất và con người TP.HCM.
|
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế |
Ông Trung vào miền Nam chi viện đầu tháng 7/2021. Khi vào Củ Chi, được hỏi sẽ ở đâu, ông Trung xin ở ngay tại trụ sở của ủy ban huyện. “Ở ngay trụ sở huyện, tôi và các anh em ở đây chia nhau từng suất cơm, cân táo… Những thứ nhỏ nhất, người dân và lãnh đạo ở đây đều dành cho cán bộ y tế. Dù khó khăn nhưng họ hỗ trợ chúng tôi công tác, bất kể ngày đêm”, ông Trung nói.
Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng, vào chi viện, các cán bộ y tế không chỉ hỗ trợ về chuyên môn còn phải phối hợp với y tế cơ sở để thích ứng.
“Sau 2 tháng ở đây, đến giờ, nếu nhắm mắt lại, tôi vẫn nhớ rõ từng con đường từ huyện đến các xã, thôn. Đó là thời khắc gian nan nhưng cũng khó quên đối với tất cả các cán bộ y tế”, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, chia sẻ.
Ngọc Trang – Nguyễn Liên
Bộ trưởng Y tế: ‘Cuộc chiến với Covid-19 tại TP.HCM là khốc liệt nhất của ngành y’
Theo Bộ trưởng Y tế, "cuộc chiến Covid-19 tại TP.HCM là khốc liệt nhất trong cuộc đời làm nghề của nhiều y bác sĩ. Rất nhiều bài học rút ra có giá trị không chỉ cho riêng TP.HCM mà còn cho cả các địa phương khác và toàn ngành Y tế.
" alt="Giám đốc bệnh viện kể về 'món quà' đặc biệt khi rời tâm dịch TP.HCM" width="90" height="59"/>