|
Mặc cái nắng như đổ lửa, anh Huỳnh Thanh Tuấn miệt mài ngồi sửa lại đôi giày cho khách tại cửa tiệm của mình. |
“Đôi ba mũi kim đường chỉ có đáng gì đâu”
Trưa hè oi bức. Cái nắng chói chang, bỏng rát như xuyên thủng mái che cửa tiệm sửa chữa giày, dép cũ dựng sát vỉa hè tại con hẻm trên đường Trần Thiện Thuật (Quận 3, TP.HCM). Anh Huỳnh Thanh Tuấn (46 tuổi, chủ cửa tiệm) say mê ngồi mài tấm đế mới trên đôi giày cũ anh vừa nhận sửa miễn phí cho người khách nghèo.
Anh Tuấn ngồi bên vỉa hè, nhận sữa chữa giày dép cũ cho người nghèo, khuyết tật đã hơn 20 năm qua. Tấm bảng ghi dòng chữ: “Tuấn nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị: Vé số, xích lô, ba gác và gười khiếm thị…”, cũ dần theo năm tháng.
Anh kể: “Ngày còn nhỏ, tôi học kém quá nên xin ba mẹ nghỉ luôn rồi đi học nghề sửa giày, dép. Lúc mới học nghề, ngồi ngoài vỉa hè sửa giày cho khách, tôi thường thấy những người bán vé số, ba gác, xích lô… mang đôi dép mòn đến nỗi tưởng chừng có thể đem làm cạo râu luôn”.
|
Hơn 20 năm qua, anh nhận sửa giày dép miễn phí cho người nghèo, khuyết tật. |
“Thời điểm ấy, mua một đôi giày để mang là cả một vấn đề. Những người lao động nghèo, khó khăn thậm chí không đủ tiền để mua đôi giày, dép mới. Thấy vậy, tôi tự nhủ, sau này học được nghề, tôi sẽ sửa giày, dép miễn phí cho họ, xem như giúp họ một phần nhỏ trong cuộc sống”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Khoảng năm 2000, sau 3 năm học nghề, anh Tuấn trở thành thợ sửa giày dép lành nghề. Anh đóng một cái tủ nhỏ, dựng sát vỉa hè, nhận sửa giày cho khách. Trên cái tủ ấy, anh viết dòng chữ nhận sửa giày dép miễn phí cho người nghèo, tật nguyền.
Anh Tuấn nói: “Nhiều anh chị bán vé số, chạy xe ba gác, bán hàng rong… chỉ có một đôi giày. Khi giày dép hỏng họ lại không biết đến đâu sửa. Vậy nên tôi làm tấm bảng đặt trước tiệm, ghi rõ các đối tượng được tôi sửa giày, dép miễn phí”.
|
Những đôi giày này đều là giày cũ anh được khách cho. Anh đã giặt sạch, sửa lại rồi đem bày trên bàn ở cửa tiệm của mình. Những người có nhu cầu đều có thể đến lấy về sử dụng miễn phí. |
“Hơn nữa, nhiều anh chị cũng muốn đến tiệm nhờ tôi giúp nhưng lại ngại, không dám mở lời. Tôi viết rõ ra như thế để các anh chị mạnh dạn, không cần suy nghĩ gì cứ mang giày, dép hỏng đến cho tôi sửa miễn phí”, anh nói thêm.
Theo anh, lúc mới đặt bảng, nhiều người khó khăn đến nhờ anh sửa chữa giày dép đông lắm. Bây giờ giảm nhiều, ngày có khi chỉ có 1-2 người đến nhờ anh giúp đỡ. Tuy nhiên, anh vẫn duy trì tấm bảng và công việc này.
Anh quả quyết: “Ai có nhu cầu thì cứ đến, lúc nào tiệm cũng sẵn lòng giúp đỡ. Tôi luôn nghĩ rằng, mình may giúp họ đôi ba mũi kim đường chỉ có đáng gì đâu. Tuy nhiên, việc làm của mình sẽ giúp cho họ bớt đi một khoản chi tiêu, giúp được họ phần nào trong cuộc sống dù rất nhỏ”.
|
Anh nói, anh chỉ giúp được những hoàn cảnh khó khăn dăm ba đường kim mũi chỉ. Tuy nhiên, anh vui vì có thể đỡ đần họ được phần nào trong cuộc sống. |
“Làm việc tốt là phải làm bằng tất cả tấm lòng”
Hơn 20 năm sửa chữa giày, dép miễn phí cho người khó khăn, anh Tuấn nói không nhớ nổi đã sửa, giúp cho người nghèo, người khó khăn bao nhiêu đôi giày, dép. Anh chỉ nhớ, mỗi lần họ nhận lại từ anh đôi giày chiếc dép cũ lại ánh lên niềm hạnh phúc.
Anh nói, giày dép của người bán vé số, đạp xích lô, bán hàng rong… tùy theo người mang đôi thì sứt quai, đôi mòn đế… Đối với những đôi còn sử dụng được, anh luôn cố gắng sửa chữa để họ tiếp tục sử dụng.
Đối với những đôi giày hư hỏng nặng quá, không thể khắc phục, anh khuyên họ bỏ đi, cố gắng mua đôi mới. Hoặc, anh sẽ tìm và tặng cho họ những đôi giày, dép phù hợp trong số giày cũ anh được khách gửi tặng.
|
Mỗi lần nhận giúp người khó khăn, anh luôn làm hết tâm sức và tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ nhất. |
Hôm chúng tôi có mặt, trên bàn làm việc của anh chất đầy những đôi giày cũ. Anh nói, số giày này anh được nhiều người cho. Anh đã sửa chữa, khâu may, dán keo, căn chỉnh lại. Anh bày chúng trên bàn để nếu có ai cần, sử dụng được, anh sẽ gửi tặng.
Anh tâm sự: “Nhiều khi sửa đôi giày cho người nghèo mà tôi buồn, xúc động muốn rơi nước mắt. Những đôi giày, dép đó cũ quá rồi, nếu là người khác, chắc họ vứt bỏ từ lâu. Nhưng họ không có tiền để mua đôi mới nên cứ cố sửa mãi để mang”.
“Khi nhận được từ tôi đôi giày vừa được sửa chữa, có thể tiếp tục sử dụng, họ vui lắm. Nhìn thấy họ vui, tôi cũng vui. Thế nên, tôi luôn dặn các học trò và bản thân của mình rằng, mỗi khi sửa miễn phí cho người nghèo, khó khăn phải làm bằng tất cả tâm huyết. Làm việc tốt là phải làm bằng tất cả tấm lòng. Những lần sửa như thế phải thật trân trọng. Bởi họ đi hàng ngày, họ nhờ những đôi giày, đôi dép đó để kiếm sống…”, anh chia sẻ thêm.
|
Với anh, đã làm việc tốt là phải làm bằng tất cả tấm lòng. |
Hiện nay, anh Tuấn đều nhận học trò và truyền dạy nghề sửa chữa giày dép cho các em một cách tận tình. Học trò của anh phần lớn sinh sống ở địa phương và có những hoàn cảnh éo le khác nhau.
Anh kể, học trò của anh “đứa thì nghèo, đứa thì bỏ học, đứa gia đình ly tán, đứa cha mẹ tù tội”... Thế nên anh rất thương và lấy kinh nghiệm sống của mình để truyền lửa cho các em.
Nhận học trò, anh luôn dạy đạo đức, cách làm người trước rồi mới dạy nghề. Ảnh hưởng từ những việc làm tốt đẹp của “sư phụ Tuấn”, khi ra nghề, các học trò của anh đều lan tỏa việc giúp đỡ người nghèo, khó khăn, khuyết tật.
Xem thêm video: Bà U70 cầm biển giúp học sinh qua đường giữa nắng gắt Sài Gòn
Bài, ảnh:Nguyễn Sơn
Phút đối mặt với nguy hiểm của nam sinh nhiều lần bắt cướp ở Sài Gòn
Tự nhận có “duyên” chạm mặt tội phạm, nam sinh viên ở TP.HCM nhiều lần truy đuổi, khống chế, bắt thành công các đối tượng trộm, cướp.
">