Huawei đã tiến rất xa trong việc cung cấp thiết bị mạng 5G cho các quốc gia trên thế giới
Một gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Cisco có cung cấp các thiết bị chuyển mạch và bộ định tuyến. Nhưng bất chấp quy mô cực lớn của mình, thương hiệu này không cạnh tranh trên thị trường cơ sở hạ tầng mạng không dây.
Ngày nay, thị trường thiết bị viễn thông Bắc Mỹ gần như là sân chơi của Nokia và Ericsson, các công ty đến từ Mỹ chiếm thị phần rất nhỏ dù là 'sân nhà'. Nhưng xét trên bình diện toàn thế giới, cả hai công ty này đã bị Huawei vượt qua. Theo các chuyên gia, phần lớn các công ty đến từ phương Tây trước đây đánh giá thấp mức độ đáng tin cậy của Huawei. Thậm chí, có những người điều hành đã cười khi có ai đó nhắc đến chuyện Huawei hay ZTE có thể cạnh tranh về chất lượng thiết bị viễn thông với các công ty của Mỹ.
Để rồi, chỉ trong một thời gian ngắn, Huawei đã tạo nên những bước nhảy thần kỳ. Nokia và Ericsson lần lượt chiếm 17% và 13% thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu. Thị phần của Huawei hiện tại ở mức 29% - lớn gần bằng 2 công ty xếp sau cộng lại. Mặc dù từng bị nghi ngờ về chất lượng nhưng gần đây, Huawei được đánh giá là rất đáng tin cậy, dịch vụ khách hàng tốt và giá cả rất cạnh tranh.
Hiện tại không có bất kỳ công ty nào của Mỹ đủ sức cạnh tranh với Huawei một cách sòng phẳng ở mảng cung cấp thiết bị không dây. Đó cũng có thể là lý do khiến chủ tịch luân phiên của Huawei - Ken Hu cho rằng lệnh cấm kinh doanh với công ty này sẽ chỉ khiến quá trình triển khai công nghệ 5G ở Mỹ sẽ chậm chạp và đắt đỏ hơn mà thôi.
Huawei vẫn đang ‘chiếm lĩnh' thiết bị 5G trên thế giới
Chính quyền Mỹ đưa ra những cáo buộc rằng Huawei hợp tác với chính phủ Trung Quốc để hoạt động gián điệp, kêu gọi các quốc gia khác không sử dụng thiết bị của hãng này trong 5G. Tuy nhiên, có vẻ như lời kêu gọi này không được ủng hộ quá nhiều khi mà thương hiệu đến từ Trung Quốc thông báo rằng cho đến nay đã ký 26 hợp đồng cung cấp thiết bị 5G cho các nhà mạng trên thế giới và xuất xưởng hơn 10.000 bộ trạm thu phát sóng.
Một kỹ sư kiểm tra thiết bị 5G của Huawei tại London (Anh)
Hiện nay, rất ít quốc gia châu Âu chính thức ngăn chặn việc Huawei cung cấp thiết bị 5G. Cú sốc lớn nhất đối với lời kêu gọi của Mỹ có lẽ đến từ Pháp và Đức (2 đồng minh thân cận của Mỹ). Chính phủ 2 quốc gia này phớt lờ Mỹ và cho biết không có kế hoạch theo đường lối cứng rắn chống lại Huawei. Thậm chí, cơ quan an ninh mạng của Bỉ còn tuyên bố không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ thiết bị viễn thông do Huawei cung cấp được sử dụng để làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
Tại châu Á, Hàn Quốc đã chính thức ra mắt 5G thương mại và 1 trong 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ sử dụng thiết bị của Huawei. Công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới cũng được mời tham gia phát triển hạ tầng 5G tại Ấn Độ. Malaysia và Thái Lan cũng sẽ sử dụng thiết bị 5G đến từ Huawei. Thậm chí, hồi tháng 4 năm nay, thủ tướng Malaysia đã đến thăm văn phòng công ty này tại Bắc Kinh. Tại Trung Đông, có vẻ Huawei sẽ là ‘trùm' 5G khi mà công ty này đã ký 10 hợp đồng cung cấp thiết bị dịch vụ này.
Thị trường chính đem lại doanh thu cho Huawei đến từ châu Âu, châu Á và Trung Đông. Có vẻ như với sự đầu tư cho 5G của các quốc gia thì sức mạnh của công ty này trong mảng cung cấp thiết bị sẽ vẫn được duy trì, bất chấp lời kêu gọi tẩy chay từ Mỹ.
T.T
">