Hai bên khẳng định trên nền tảng những giá trị quý báu của mối quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno đặt nền móng, hai nước sẽ tăng cường trao đổi tiếp xúc cấp cao và các cấp trong thời gian tới, đặt dấu mốc cho kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược trong năm 2023 và hướng tới các sự kiện lớn trọng đại 70 năm quan hệ ngoại giao và 80 năm Quốc khánh của hai nước vào năm 2025.
Đồng thời, hai nhà lãnh đạo nhất trí tích cực phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và phối hợp triển khai tốt các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết.
Trong đó có việc đưa văn kiện đã ký kết về hợp tác biển sớm có hiệu lực và triển khai thực hiện trong thực tế, tạo động lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển lên tầm cao mới, hướng tới Đối tác Chiến lược Toàn diện trong thời gian tới.
Phát triển hệ sinh thái xe điện
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai nước duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2028.
Chính phủ hai nước cùng thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện.
Thủ tướng đề nghị Indonesia hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo thuận lợi cho nông sản và các sản phẩm Halal (là những sản phẩm "được cho phép" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển) có xuất xứ Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Indonesia công nhận nỗ lực của Việt Nam về quản lý hoạt động tàu cá, hạn chế tối đa hoạt động khai thác trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tổng thống Indonesia Widodo hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Indonesia, đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, hệ sinh thái xe điện; đề nghị hai nước tăng cường hợp tác biển, hợp tác nghề cá bền vững và sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Indonesia bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và năm Chủ tịch ASEAN 2023, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhất là việc ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ trân trọng chuyển lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Joko Widodo sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Widodo đã vui vẻ nhận lời mời.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham quan Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Năng lượng Hydro tại Đại học Kyushu. Đây là một trong những cơ sở hàng đầu thế giới về năng lượng hydro.
Trung tâm này chuyên thực hiện dự án trọng điểm, kết hợp với rất nhiều công ty lớn của Nhật để triển khai các dự án nghiên cứu về Hydrogen.
Đại học Kyushu đã xây dựng một mô hình “Xã Hội Hydrogen” thu nhỏ ở Ito campus - một trong những mô hình đầu tiên về “Xã Hội Hydrogen” ở Nhật Bản, với rất nhiều thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng hiện đại về lĩnh vực Hydrogen.
Trong cuộc tiếp Hiệu trưởng Đại học Kyushu Ishibashi Tatsuro và lãnh đạo nhà trường cùng sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao những thành tựu đạt được và định hướng phát triển của trường.
Chủ tịch nước hoan nghênh Đại học Kyushu dự định mở rộng đào tạo và tiếp nhận du học sinh Việt Nam học tập tại trường thông qua chương trình hợp tác với cơ sở giáo dục-đào tạo của Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị trường đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, địa phương ở Việt Nam trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Nói chuyện với du học sinh Việt Nam tại Đại học Kyushu, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu của sinh viên Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị lưu học sinh tiếp tục nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đoàn kết, hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau, cùng xây dựng cộng đồng người Việt Nam vững mạnh tại Nhật Bản, qua đó trở thành cầu nối cho quan hệ Việt Nam -Nhật Bản.
Tiếp Hiệp hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam do Chủ tịch Hiệp hội Hoshino Hiroshi dẫn đầu, Chủ tịch Võ Văn Thưởng đánh giá cao Hội Hữu nghị đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Chủ tịch nước khẳng định, đây là thời điểm tốt đẹp để tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo khuôn khổ quan hệ mới Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Chủ tịch Hội Hoshino Hiroshi cho biết, hội được thành lập từ năm 2008, với nhiều hoạt động như hỗ trợ sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, tổ chức du lịch học tập của học sinh THPT Nhật Bản sang Việt Nam; thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, thúc đẩy hợp tác du lịch thông qua mở đường bay thẳng từ Fukuoka sang nhiều tỉnh, thành Việt Nam.
Từ năm 2008 với số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Kyushu và số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Quan hệ giữa khu vực Kyushu và các địa phương Việt Nam là một điển hình của hợp tác địa phương giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao và đề nghị hội tiếp tục hỗ trợ các địa phương khu vực Kyushu và các giới tăng cường giao lưu, hợp tác với địa phương Việt Nam; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; giao lưu văn hóa, nhân dân...
Tiếp đoàn lãnh đạo Hiệp hội chuyên gia Nhật-Việt, do Giáo sư Mitsuo Ochi, Hiệu trưởng Trường Đại học Hiroshima dẫn đầu, Chủ tịch nước nhấn mạnh thành tựu hợp tác Việt Nam - Nhật Bản có đóng góp to lớn của nhân dân hai nước; trong đó có Hiệp hội chuyên gia Nhật - Việt.
Việc hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội để Hiệp hội thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Giáo sư Mitsuo Ochi cho biết, Hiệp hội chuyên gia Nhật-Việt, Đại học Hiroshima có nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam.
Đại học Hiroshima tiếp nhận đào tạo nhiều sinh viên quốc tế và Việt Nam. Trường cũng phối hợp với Đại học Nông lâm Thái Nguyên đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trường cũng đang phối hợp với Bộ Nội vụ Việt Nam trong đào tạo thử nghiệm cán bộ chính sách địa phương và chính sách công, dự kiến năm sau sẽ mở rộng đào tạo.
Đại học Hiroshima và các thành viên của Hiệp hội chuyên gia Nhật - Việt mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, chất bán dẫn, trung hòa carbon, thành phố thông minh. Đồng thời sẵn sàng tiếp nhận đào tạo sinh viên Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, Việt Nam nhất là ĐBSCL là vùng chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội mở rộng hợp tác với các trường đại học và các địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực này, một lĩnh vực mà nhiều trường đại học Việt Nam đang nghiên cứu và mong muốn hợp tác với quốc tế.