Nhưng mục tiêu của Hà Giang sẽ không dừng lại ở con số vài trăm ấy. Trước Tết Nguyên đán 2020, sẽ có ít nhất 1.000 ngôi nhà được bàn giao. Mục tiêu xa hơn nữa, đến năm 2021, khoảng 2.000 ngôi nhà được xây dựng xong, tất cả đều sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.Chưa khi nào việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo tại Hà Giang lại được quan tâm mạnh mẽ tới vậy. Có đi đến tận nơi mới cảm nhận được hết không khí hào hứng, phấn khởi ở nhiều bản làng xa xôi.
Nói về chương trình xóa nhà ở dột nát cho cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo xã biên giới ở Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến, đồng thời cũng là thành viên Ban chỉ đạo cho biết, chương trình được khởi nguồn từ ý tưởng của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện trước đó tại địa phương để xây dựng nhà cho gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo.
|
Những ngôi nhà đơn sơ chênh vênh sườn đồi, sườn núi. |
Tháng 7/2019, nhân kỷ niệm ngày 72 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, đích thân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng nhiều căn nhà cho cựu chiến binh, gia đình người có công ở Hà Giang.
Trước đó, nguyên Chủ tịch nước và phu nhân đích thân kêu gọi sự trợ giúp của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Mỗi căn nhà xây dựng tại Hà Giang đều nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng và tỉnh đối ứng 10 triệu đồng.
Trong ngày giao nhà, nhiều cựu chiến binh đã ôm lấy nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mà khóc. Với họ niềm vui được sống trong những ngôi nhà luôn là niềm mơ ước cả đời, không bao giờ họ nghĩ có thể làm được.
“Người ta khóc thật sự, bởi không biết khi nào mới xây nổi cái nhà để ở”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói.
“Khi triển hai chương trình, một tháng bác Sang lên Hà Giang tới 2 lần. Từ trong Sài Gòn bay ra, xuống sân bay là lên Hà Giang làm việc xong chiều quay về lại bay vào Sài Gòn. Sức khỏe không cho phép, nhưng bác Sang cũng dành thời gian nhất định để đi thăm một số cựu chiến binh nghèo”, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang xúc động nói.
Tiếp nối việc làm hết sức nhân văn của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Hà Giang mở rộng mô hình vươn tới cả những hộ nghèo, chủ yếu là tại những xã miền biên giới.
Cuối tháng 9, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đưa ra ý tưởng trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Điều này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng đồng tình của tất cả các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Đây cũng được chọn là chủ trương xuyên suốt từ tỉnh đến xã, và là một trong những chương trình chào mừng đại hội Đảng.
Ngày 28/9, Hà Giang tổ chức lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình người có công, hộ nghèo xã biên giới của tỉnh. Trong buổi phát động ấy, có cả nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tham dự.
Sau lễ phát động đại diện các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã tham gia quyên góp, ủng hộ chương trình.
Tổng kinh phí huy động đóng góp, ủng hộ tính tới thời điểm hiện tại khoảng 52 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh đã huy động được gần 120 tỷ đồng thực hiện chương trình.
“Tất cả đều là nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách, cũng không có chi phí quản lý, không có bất kể một chi phí hỗ trợ cán bộ nào trong việc triển khai. Tất cả gói gọn trong việc đưa 60 triệu đồng cho bà con để hỗ trợ làm nhà”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Trước khi cấp tiền cho người dân sử dụng, thôn sẽ rà soát và báo lên xã để xuống thẩm định. Sau đó, xã báo lên huyện để huyện xuống thẩm định, và cấp quyết định cuối cùng thuộc về Sở LĐ-TBXH tỉnh.
“Căn cứ vào thẩm định đó, Sở LĐ-TBXH Hà Giang sẽ cấp tiền về cho huyện, huyện cầm trịch với xã để cho triển khai”, ông Tiến nói.
Vị lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng vui mừng chia sẻ: “Trong suốt quá trình triển khai không một ai kêu ca hay phàn nàn gì, tất cả đều biết đây là chương trình hỗ trợ cho người dân.
Để sâu sát hơn, Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu các huyện mỗi tuần báo cáo một lần về tiến độ, mọi khen chê đều được đưa ra trong cuộc họp báo cáo này. Riêng với những huyện có ít nhà xây như Bắc Mê hay TP. Hà Giang thì yêu cầu 30/11 phải hoàn thành. Những huyện có dưới 100 nhà là 31/12, còn lại là trước Tết Nguyên đán sẽ có ít nhất 1.000 căn nhà được bàn giao”.
Ngày thứ 7 giúp dân
Số tiền 60 triệu đồng hỗ trợ là con số không phải quá lớn đối với mỗi gia đình nhưng may mắn chương trình nhận được sự ủng hộ của toàn hệ thống chính trị. Các lực lượng vũ trang, đồng bào từ miền xa xôi đến những nơi thuận lợi đều đồng lòng.
Nằm giữa lưng chừng núi, nhà của ông Lý Văn Chương (thôn Nàng Ha, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì) rộn rã tiếng cười nói. Căn nhà ông Chương sắp cất nóc nhanh hơn dự kiến nhờ sự giúp đỡ của vài chục người trong xã và thôn. Thanh niên khỏe thì lấy xe chở gạch, phụ nữ thì tập trung vác những tấm fibro xi măng từ dưới chân núi lên để lợp mái.
“Tôi đã tính phải lên rừng chặt gỗ về để cất nhà thì nhận được thông báo hỗ trợ xây nhà từ chính quyền. Mừng quá…”, ông Chương xúc động.
Tại huyện Hoàng Su Phì, để người dân sớm có nhà ở, huyện ủy phát động phong trào ngày thứ 7 giúp dân. Đây có lẽ là phong trào ấn tượng nhất trong hành trình xây 1.000 nhà trước Tết Nguyên đán của Hà Giang.
Vào thứ 7 hàng tuần, những xã trong huyện Hoàng Su Phì có hộ được hỗ trợ xây nhà sẽ huy động mọi lực lượng từ đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ tới để giúp đỡ. Tại huyện Xín Mần, là phong trào đổi ngày công. Nhà này xây xong, mọi người sẽ di chuyển sang nhà khác để xây dựng tiếp, cứ qua lại như vậy mà không ít ngôi nhà sắp đến ngày bàn giao.
Ông Phạm Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Hà Giang cho biết, cách đây mấy năm, tỉnh có chương trình đào tạo nghề xây dựng cho nhiều người dân địa phương và đến bây giờ đã phát huy tác dụng.
“Những thợ xây dựng đều do tỉnh đào tạo, nên chi phí giảm đi đáng kể vì không phải thuê ngoài”, ông Dũng nói.
Hanh trinh than toc xay hang ngan ngoi nha cho nguoi ngheo, nguoi co cong o Ha Giang hinh anh 5
Người dân phấn khởi khi sắp có nhà mới khang trang hơn.
Nằm ngay sát đường biên giới, ông Long Đức Hoa – người dân tộc La Chí ở xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) cũng đang chờ tới ngày vào ở trong ngôi nhà mới.
Ngôi nhà mà ông Long đang xây có kinh phí hơn 100 triệu đồng, tiền hỗ trợ ông Long dùng để mua vật liệu, số còn lại ông vay thêm của họ hàng. Trước khi xây nhà mới, ông Long cùng gia đình sống trong ngôi nhà với cột kèo xiêu vẹo, nhưng giờ thì ngoài niềm vui còn là sự an tâm trong những ngày mưa gió khi ngôi nhà mới với cột bê tông kiên cố đang hình thành.
Ông Long nằm trong số những hộ gia đình được Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tới thăm. Trong ngày biết mình được hỗ trợ xây nhà mới, ông Long đã ôm Bí thư Khánh khóc.
Sau khi rời quân ngũ năm 1981, cuộc sống của ông Long hết sức khó khăn, chưa khi nào ông nghĩ mình sẽ được ở trong một ngôi nhà kiên cố cho tới khi nhận được thông báo.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất có lẽ nằm ở việc thay đổi suy nghĩ của người dân vốn đã quen với nếp sinh hoạt cũ.
|
Hành trình thần tốc xây hàng ngàn ngôi nhà cho người nghèo, người có công ở Hà Giang |
Ông Hoàng Đình Phới – Bí thư huyện ủy Quản Bạ cho biết, khi thực hiện phải yêu cầu người dân xây dựng đúng cam kết theo mẫu đã được phê duyệt.
Huyện Quản Bạ cũng chờ người dân xây nhà xong mới giải ngân để tránh việc dân nhận tiền nhưng không làm nhà mà tiêu vào những việc khác. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, người dân vẫn còn mê tín, xem tuổi và năm làm nhà nên dù nhận được tiền hỗ trợ họ vẫn kiên quyết không xây ngay mà chờ đợi. Việc xây dựng làm sao cho vẫn giữ được một số nét truyền thống của đồng bào cũng phải được tính đến.
Một khó khăn nữa là chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng khá đắt đỏ vì địa hình đi lại khá hiểm trở. Một cán bộ xã ở huyện Xín Mần cho biết, như một bao xi măng bình thường chỉ 50 nghìn đồng, nhưng khi mang lên được một hộ ở trên núi đã lên tới 100 nghìn đồng. Bởi vậy, nếu không có sự giúp sức của bà con địa phương, chắc chắn chi phí để xây dựng những ngôi nhà sẽ đội lên rất cao.
Nhưng dù có khó khăn thế nào, thì toàn tỉnh Hà Giang vẫn đang chung tay biến những điều không thể thành có thể. Con số 1.000 ngôi nhà từ nay tới cuối năm là không phải nhỏ, nhưng rõ ràng khi tất cả cùng chung một hướng thì không gì là không thể.
Khi chủ trương hướng tới người dân là các gia đình chính sách, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với cách làm bài bản, trách nhiệm và chỉ đạo cả hệ thống vào cuộc thì doanh nghiệp cũng sẽ đồng hành, chung tay tin tưởng. Trong cái giá lạnh mùa đông này, tình cảm ấm áp đến với đồng bào dân tộc nghèo với sự chăm lo của Tỉnh ủy và chính quyền các cấp ở Hà Giang.
Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 4.106 hộ cần hỗ trợ về nhà ở thuộc các đối tượng: Người có công, Cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo ở xã biên giới. Trong đó có 160 gia đình người có công, 464 cựu chiến binh, 3.482 hộ nghèo của các xã biên giới. Tuy phát triển nhiều so với trước đây nhưng cuộc sống của người dân ở Hà Giang ở vùng địa đầu Tổ quốc vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Giang đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.000 hộ. Đến ngày 27/8, toàn tỉnh đã có 345 hộ triển khai xây nhà ở theo chương trình hỗ trợ của tỉnh, trong đó có 8 nhà hoàn thành; 278 nhà chuẩn bị khởi công.
Ngày 25/7/2019, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Quyết định số 1953 thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, do Bí thư tỉnh uỷ Đặng Quốc Khánh làm Trưởng ban. Phó Ban chỉ đạo là ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Sáng 28/9/2019, Ban chỉ đạo tổ chức lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình người có công, hộ nghèo xã biên giới của tỉnh. Tổng kinh phí huy động được tại buổi lễ khoảng 65 tỷ đồng. Lũy kế, toàn tỉnh huy động được trên 112 tỷ đồng cho công tác này.
Theo VTC
">