|
Diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 26 - 29/9 và ngày 2/10/2017 tại Hà Nội, khóa đào tạo, diễn tập bảo đảm an ninh, an toàn thông tin (ATTT) mạng năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dành cho đối tượng là các lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về ATTT của Trung tâm CNTT, Tổng cục và các Cục thuộc Bộ này.
Bên cạnh mục tiêu góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về an ninh, ATTT mạng cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về ATTT tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, khóa đào tạo, diễn tập bảo đảm an ninh, ATTT mạng năm 2017 còn nhằm góp phần nâng cao năng lực xử lý, ứng phó phòng chống các sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Bộ GTVT.
Theo đại diện Ban tổ chức, nội dung khóa đào tạo, diễn tập sẽ chú trọng vào việc phát hiện và xử lý các loại hình tấn công mạng phổ biến nhất hiện nay với các kịch bản gồm: Phát hiện và xử lý tấn công thay đổi giao diện Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT; Phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý tấn công có chủ đích APT vào hệ thống của Bộ GTVT; Phát hiện và xử lý tấn công từ chối dịch vụ DDoS và tổng hợp các kịch bản diễn tập.
Trong phát biểu tại lễ khai mạc khóa đào tạo, diễn tập được tổ chức vào chiều nay, 26/9/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, ngày 10/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 632 ban hành Danh mục lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm ATTT mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Trong đó, xác định 11 lĩnh vực cần ưu tiên bảo đảm ATTT, gồm có lĩnh vực GTVT. “Thực tế cũng đã cho thấy ngành GTVT là ngành trọng yếu, sở hữu rất nhiều hạn tầng thông tin quan trọng. Do vậy, công tác đảm bảo ATTT cho hệ thống thông tin trọng yếu này là vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, một vấn đề lớn trong công tác đảm bảo ATTT là trong bối cảnh nguồn lực có hạn, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là cần triển khai công tác bảo đảm ATTT một cách phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ trưởng phân tích, thực tế trong bối cảnh chúng ta đối mặt với các nguy cơ mất ATTT, hiện nay có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau. Đó là, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thờ ơ với nguy cơ mất ATTT; và cũng có nhiều cơ quan lại phản ánh quan điểm ngược lại - quá lo sợ về công tác đảm bảo ATTT. Quan điểm thứ nhất dẫn tới tình trạng cơ quan, tổ chức lơ là việc đảm bảo ATTT và nguy cơ bị tấn công mạng rất cao. Còn quan điểm thứ hai lại dẫn đến thực tế cơ quan, tổ chức tiêu tốn quá nhiều tiền cho vấn đề đảm bảo ATTT và vô hình chung làm triệt tiêu khả năng tồn tại, phát triển của tổ chức, doanh nghiệp.
">