Đối với tỉnh Thanh Hóa, xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch CĐS với mục tiêu bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khả thi ở cả 3 cấp. Đến nay, nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh đã tích hợp 19 hệ thống phần mềm để đảm bảo việc giải quyết hồ sơ công việc được đồng bộ, hiệu quả. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, cung cấp 875 dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Anh Nguyễn Văn Đạo ở phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn cho biết việc sử dụng các công cụ trực tuyến giúp đăng ký giấy tờ rất nhanh, người dân ở nhà cũng có thể đăng kí được những bước cơ bản. Cán bộ trả hồ sơ cũng nhanh và có trả thêm cả bản điện tử để người dân lưu trữ thuận tiện, tránh việc quên hay mất dữ liệu. Ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa cho biết hồ sơ công việc được gửi trên môi trường mạng có lưu thời gian rất rõ ràng. Do vậy, khi công chức hay lãnh đạo chậm trễ trong việc giải quyết cho công dân thì cán bộ lãnh đạo sẽ có biện pháp nhắc nhở. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương cho biết xã đã đầu tư phòng họp không giấy tờ, trang bị máy tính bảng cho cán bộ công chức để phục vụ công việc được tốt hơn. Xã cũng yêu cầu cán bộ công chức nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hiệu quả. Cùng với Thanh Hóa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với CĐS (CĐS), góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ phận một cửa huyện đã tiếp nhận 822 hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt 99,8%. Đối với bộ phận một cửa các xã, thị trấn, đã tiếp nhận 12,777 nghìn hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt 99,9%. Đến nay, huyện Tư Nghĩa đã thành lập 94 tổ công nghệ số cộng đồng với 659 thành viên để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác CĐS trên địa bàn huyện. Hiện 100% TTHC của huyện đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã đều được công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho biết xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, do đó, địa phương tiếp tục đầu tư trang thiết bị. Bên cạnh đó, hoàn thiện và sử dụng phòng họp không giấy, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ tại bộ phận một cửa các cấp để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng các cấp, triển khai vận hành thử nghiệm Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) huyện. Huyện triển khai thực hiện việc sử dụng chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa thông qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tiếp tục duy trì thực hiện việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên văn bản điện tử phục vụ cho hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước... Xác định xây dựng chính quyền điện tử là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0, thời gian qua, các địa phương, đơn vị của tỉnh Đắk Lắk đang từng bước xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND huyện Krông Ana đã quán triệt, triển khai các văn bản về CĐS, tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin. Hiện nay, việc gửi và nhận văn bản của địa phương đều thực hiện trên hệ thống iDesk. Ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Krông Ana cho hay bên cạnh những hành động để thực hiện CĐS thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, công chức và người dân cũng rất quan trọng. Các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhờ đó khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Hiện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã thành lập ban chỉ đạo CĐS; thành lập 72 tổ công nghệ số cộng đồng tại 72 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn với 390 thành viên tham gia. Huyện Cư Kuin cũng đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách hành, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện các giao dịch hành chính tại các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, các đơn vị còn thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý và điều hành trực tuyến iDesk; áp dụng chữ ký số tại UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn trực thuộc và UBND các xã. Để phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Các sở, ban, ngành cũng đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy CĐS. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, đã có trên 15 văn bản của UBND tỉnh ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy CĐS nói chung. Từ năm 2021 đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk đã cung cấp 1.637 TTHC, trong đó có 491 dịch vụ công trực tuyến một phần, 681 dịch vụ công trực tuyến toàn trình với khoảng 3.853 cán bộ công chức thường xuyên sử dụng. Trong tổng số 2.587.362 hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống có 474.573 hồ sơ được người dân/doanh nghiệp nộp trực tuyến. Hệ thống iGate được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; kết nối, chia sẻ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực, định danh khai thác dữ liệu trong quá trình giải quyết TTHC; tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia và các phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương... Việt Hùng và nhóm PV, BTV |