Ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Xuất bản hôm 30/11. Ảnh: Đức Huy. |
Phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới một xã hội học tập. Trong suốt chặng đường hoạt động, Hội Xuất bản Việt Nam luôn coi phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam diễn ra ngày 30/11, Chủ tịch Hội Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, chúng ta cần phát huy vai trò của từng hội viên, đồng thời tăng cường phối hợp với các nhà xuất bản, cơ quan báo chí và đơn vị liên quan để lan tỏa văn hóa đọc".
Nhiều hoạt động quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc
Tại buổi họp Ban Chấp hành Hội, Chủ tịch Phạm Minh Tuấn nói: “Các đơn vị trực thuộc Hội Xuất bản đã chủ động tham gia vào việc hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các cơ quan địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững của các mô hình văn hóa đọc. Nhiều mô hình thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng được hình thành với sự hướng dẫn từ các thành viên Hội”.
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, thành viên Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết đơn vị đã nỗ lực đưa sách tới các thư viện các trường, phục vụ việc dạy và học. Cùng Sở Thông tin truyền thông, công ty còn thành lập Câu lạc bộ Đại sứ văn hóa đọc, nơi quy tụ các nhà báo, người nổi tiếng, người yêu thích đọc sách. Họ đã đi đến nhiều nơi tuyên truyền về sách, nâng cao tinh thần khuyến đọc.
Bên cạnh mô hình đường sách tại TP.HCM và TP Thủ Đức, thành viên của Hội Xuất bản cũng tích cực tham mưu cho các cơ quan địa phương để xây dựng đường sách, không gian đọc công cộng.
Các ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam cùng điểm lại những hoạt động trong năm qua của Hội. Ảnh: Đức Huy. |
Một điểm nhấn khác trong công tác Hội là việc tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện đã thu hút đông đảo độc giả tham gia, đồng thời góp phần lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc đọc sách trong cộng đồng.
Ngoài ra, Hội Xuất bản cũng đóng vai trò lớn trong việc triển khai việc chấm sơ khảo và chung khảo cho Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ bảy. Hơn 80 nhà khoa học đã làm việc nhiều tháng để tôn vinh các tác phẩm xuất sắc của giới xuất bản Việt. Những nỗ lực này nhằm lan tỏa giá trị của sách và khuyến khích công chúng tìm tới các tác phẩm hay.
Có thể thấy các sự kiện này không chỉ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề chuyên môn mà còn đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản với trọng tâm là văn hóa đọc.
“Hội Xuất bản Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về thực trạng đọc sách, đồng thời hỗ trợ các câu lạc bộ Đại sứ Văn hóa đọc tại nhiều địa phương. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ”, Phó chủ tịch thường trực Hội Đỗ Quang Dũng phát biểu.
Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao, Hội kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng độc giả và ngành xuất bản trong thời gian tới.
Tăng cường quảng bá, nâng vị thế sách Việt trên trường quốc tế
2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định: "Các hoạt động của Hội nhằm hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện lớn cần có định hướng tổ chức sớm. Hoạt động đối ngoại cần được thúc đẩy mạnh hơn để nâng cao vị thế của sách Việt Nam trên trường quốc tế".
Các ủy viên Ban chấp hành Hội nhận định để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần giải quyết những điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển bền vững. Đó là bảo vệ bản quyền tác giả và kết nối với các bộ, ban, ngành, tổ chức xuất bản lớn trong khu vực để phát triển văn hóa đọc.
"Trước mắt, chúng ta cần xúc tiến hoạt động của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, hạn chế tình trạng sách lậu, sách giả", ông Phạm Minh Tuấn chỉ đạo.
Chủ tịch Hội Xuất bản cho rằng Hội cần tiếp tục quan sát, nắm bắt thời cơ để quảng bá sách Việt, kết nối với đơn vị xuất bản nước ngoài. Hơn hết, hoạt động hợp tác quốc tế có thể đem lại nhiều bài học kinh nghiệm về xu hướng làm sách, phát triển văn hóa đọc.
Để phát triển Hội và góp phần vào hoạt động xuất bản, văn hóa đọc, Hội Xuất bản đưa ra những định hướng cho năm 2025. 1. Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 5 mục tiêu nhiệm kỳ 2023-2028, đó là: Góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh, Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xuất bản, Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Xây dựng Hội vững mạnh; bổ sung và phát triển thêm một số nội dung trong từng mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới trong nước và xu thế của thế giới.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động của ngành, đặc biệt là công tác khuyến đọc. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối quốc tế thông qua các hội chợ sách và sự kiện giao lưu sẽ giúp quảng bá hiệu quả sách Việt Nam ra thế giới.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà xuất bản, và các tổ chức liên quan là yếu tố then chốt. Việc xây dựng các chương trình tuyên truyền về sách và văn hóa đọc không chỉ cần sự sáng tạo từ các cá nhân mà còn phải có định hướng rõ ràng từ cấp lãnh đạo cũng như sự tham gia của quần chúng.
Nếu giải quyết được những điểm nghẽn trên, ngành xuất bản Việt Nam không chỉ vượt qua các thách thức hiện tại mà còn tận dụng tốt cơ hội để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.