Quốc hội sắp họp bất thường để sửa luật liên quan đến tinh gọn bộ máy
Thông tin này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra khi phát biểu khai mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,ốchộisắphọpbấtthườngđểsửaluậtliênquanđếntinhgọnbộmálịch đá c1 sáng 10/12.
Theo ông Mẫn, nếu Chính phủ không có tờ trình nào đột xuất cho các vấn đề cấp bách, đây sẽ là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, dự kiến giữa tháng 2, Trung ương Đảng sẽ họp và đến cuối tháng, Quốc hội họp bất thường để sửa đổi một số điều các luật liên quan tới tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị.
Theo ông, hiện các cơ quan Quốc hội đang tiến hành rà soát xem sửa luật nào, ví dụ một số luật như luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý trước mắt triển khai ngay các luật vừa thông qua, đảm bảo đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, có 122 văn bản quy định chi tiết, trong đó có 60 nghị định, quyết định của Thủ tướng, hơn 50 thông tư của các bộ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị chuẩn bị các văn bản liên quan để sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 10, 11 sau đó, Phó Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết cử tri và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn. Cử tri và nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra", ông Công nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cho biết thêm cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Về hoạt động của Quốc hội, ông Công nhấn mạnh cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, nhất là việc đổi mới tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính.
Đặc biệt, cử tri ghi nhận việc chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"…
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất; tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội.
Lo lắng của cử tri cũng xoay quanh tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, nhất là trong dịp cuối năm…
Trên cơ sở báo cáo, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch.
Việc này nhằm hạn chế hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cuộc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá đất; nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản.
Bộ Y tế được đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại bếp ăn tập thể, bếp ăn căng tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.