Trưa 18/10,ồngVânTôicógiađìnhhạnhphúcgiờchỉmongsứckhỏbao an ninh VietNamNet gặp NSND Hồng Vân khi cô cùng các đạo diễn Bùi Như Lai, Trần Lực và đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer ra mắt dự án sân khấu “Nàng Kiều” qua góc nhìn của người đương đại ở TP. HCM. NSND hào hứng khi bắt tay thực hiện những trải nghiệm rất mới, đồng thời tiết lộ chuyện sẽ mở lại sân khấu, lấy tên cũ sau khi đóng cửa rạp Superbowl 14 năm cách đây không lâu.
Khán giả Hà Nội thích nồng nhiệt kịch miền Nam
- Sau hai đêm công diễn ở Hà Nội, trở về “lãnh địa” của mình, chị thấy sao?
Tôi có đi đâu, làm gì cũng muốn giữ hồn kịch miền Nam vì yếu tố vùng miền rất quan trọng. Người miền Nam hướng ngoại, chuộng giải trí, họ đến xem kịch để vui vẻ chứ thường không có thói quen tìm xem những tác phẩm nào để phải tư duy quá nặng nề.
Vì vậy, điều này trở thành quán tính giới đạo diễn, diễn viên miền Nam nên khi dựng kịch, tôi không bao giờ dựng vở nào chỉ để xem 1 – 2 lần rồi cất kho. Vở diễn đó phải có khả năng khai thác dài lâu. Để được như vậy, bản thân vở diễn phải có tính hấp dẫn, tính thị trường… mới có sức sống lâu được.
Loại hình sân khấu phải có tính hình tượng và biểu tượng, nhưng để khán giả miền Nam quen thì cần quá trình chứ không thể một sớm một chiều. Với tác phẩm “Ngẫm Kiều”, tôi đã suy nghĩ đến nát óc sao cho có yếu tố học thuật, phù hợp với yêu cầu của Viện Goethe đề ra, đồng thời phải dung dị, chân phương, đậm đà tính Nam Bộ, đủ sức níu chân khán giả lâu dài.
- Nhưng cho nàng Kiều mặc vest, nhuộm tóc… lên sân khấu chí chóe, hẳn sẽ gây tranh cãi lớn vì không phải ai cũng chấp nhận cách nhìn như vậy?
Một số nhà nghiên cứu Kiều hoặc những ai đã quen với Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể không chấp nhận những góc nhìn đương đại như thế này. Bốn đạo diễn chúng tôi làm dự án “Nàng Kiều” theo tiêu chí của Viện Goethe là lan tỏa Kiều vào đối tượng chưa từng biết Kiều.
Sau khi xem, họ sẽ thắc mắc, thậm chí khó chịu để họ phải tìm hiểu Kiều là ai, thơ Nguyễn Du thế nào… Chỉ cần họ hỏi người đi trước, những người hiểu Kiều và Nguyễn Du thôi, chúng tôi đã đạt được mong muốn.
Chúng tôi hay đùa rằng bằng mọi thủ đoạn, mưu mô cũng phải làm Kiều lan tỏa, nhân rộng, khán giả phải thắc mắc là được.
Hồng Vân luôn muốn thể nghiệm kịch mới nhưng không có kinh phí. Vì vậy, khi có đơn vị đầu tư, chị quyết làm "tới bến". |
- Ý tưởng của chị hay nhưng dự án “Nàng Kiều” nhấn mạnh ở góc nhìn đương đại, trong khi 3 đạo diễn kia đều dựng bối cảnh hiện đại thì mỗi chị giữ nguyên bối cảnh gốc. Chưa kể ở một số trích đoạn được xem, tôi thấy hơi… sến. Chị có lo tác phẩm của mình có thể bị lép vế, nhất là thua trước đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer ngay trên “sân nhà”?
Mỗi đạo diễn đều có thủ pháp riêng. Yếu tố đương đại không nằm ở thủ pháp mà ở cách người đương đại nhìn, đặt vấn đề về Kiều. “Ngẫm Kiều” của tôi đặt vấn đề rằng Kiều, Hoạn Thư, Đạm Tiên, tất cả nhân vật trong Truyện Kiều lẫn chúng ta đều không nên đổ lỗi cho thiên định. Cuộc sống của chúng ta do chúng ta tự định đoạt.
Thứ hai, “Ngẫm Kiều” tiếp cận vấn đề con giáp thứ 13. Tôi muốn mọi người nhìn lại Hoạn Thư theo một cách nhìn khác: một người phụ nữ đau khổ khi phải rơi vào cảnh chồng chung không mong muốn. Tôi phê phán Thúc Sinh, anh đã không cân bằng bên tình, bên nghĩa để rồi đẩy hai người phụ nữ vào bi kịch.
Tôi tự hỏi tại sao Kiều không vượt lên số phận mà lại tự đặt mình vào vị trí con giáp thứ 13 này. Bán mình chuộc cha là khởi điểm, nhưng những long đong lận đận sau này, tại sao cô ấy không vươn lên? Tôi đặt dấu hỏi tại sao Kiều không cố gắng phá bỏ xiềng xích của xã hội, cô cứ xuôi theo mãi rồi đổ cho số phận, ý Trời bắt mình ra như thế. Đó là cách nhìn đương đại.
Qua hai đêm diễn ở Hà Nội, tác phẩm của nghệ sĩ Sài Gòn không hề lép vế, trái lại khán giả thích rất nồng nhiệt. “Ngẫm Kiều” có đầy đủ yếu tố: hấp dẫn, đã mắt, đã tai, và tựa sao thì kịch vậy, xem xong khán giả đều phải ngẫm lại.
- Một vở kịch thường phải kéo dài 2 – 3 tiếng. Chị làm “Ngẫm Kiều” trên dưới 25 phút, liệu truyền tải được gì?
Vì chỉ có 25 – 30 phút, tôi mới phải nghĩ nát óc để làm sao nói đủ điều mình cần nói và khán giả cảm nhận được. Điều này rất khó. Nhưng qua hai đêm diễn ở Hà Nội, cả 4 tác phẩm đều truyền tải đúng những gì chúng tôi và BTC mong muốn.
Còn với khán giả miền Nam, tôi rất tin tưởng vào tác phẩm của mình. “Ngẫm Kiều” dung dị, chân phương, không làm người xem rối não.
Mở lại sân khấu sau khi đóng cửa rạp Superbowl 14 năm
- Thời điểm chị đăng “tâm thư” chuyện đóng cửa rạp Superbowl 14 năm, có một bài viết của cây bút nổi tiếng nhận định: Hồng Vân đứng trên sân khấu là một nghệ sĩ có thể lấn lướt tất cả, đối lập với bà bầu Hồng Vân kinh doanh sân khấu lão luyện, đầy toan tính. Chị nghe có buồn?
Làm nghề này, tôi xác định “làm dâu trăm họ”. Ai quen hoặc từng làm việc cùng tôi sẽ có cái nhìn khách quan hơn. Ngược lại, ai chưa quen biết tôi sẽ nhìn cảm tính hơn, đó cũng là quyền của họ thôi. Tôi không buồn, càng không bị ảnh hưởng gì bởi nhận định của thiên hạ về mình. Tôi có quá nhiều việc để lo, làm gì có thời gian phân tâm. Thực tế, ai cũng có quyền nêu quan điểm riêng với những gì xung quanh họ. Họ nói tôi kinh doanh lão luyện, đầy toan tính, có thể là lời chê nhưng biết đâu lại là lời khen? (cười) Thôi thì cứ nghĩ như vậy cho nhẹ đầu.
- Tôi đã rất bất ngờ khi nghe chị “khoe” sắp mở lại sân khấu, vì trước đó, chị từng nói chắc nịch sẽ không làm tiếp vì thua lỗ nặng?
Không riêng gì bạn, sân khấu mới cũng là điều bất ngờ với tôi. Tôi đã tính không làm thêm sân khấu nào nữa, chỉ tập trung vào rạp Phú Nhuận. Nhờ báo chí đưa bài, ban giám đốc Nhà hát Chợ Lớn đã gọi cho tôi, đề nghị hỗ trợ tối đa để tôi duy trì tâm huyết. Thật không tưởng tượng nổi, trong 6 tháng đầu, họ đề nghị chỉ thu tiền điện, nước thôi, thậm chí còn cho tôi một tháng đầu thử vận hành sân khấu.
Đó là một nhà hát quá đẹp. Tôi vừa tới đã mê liền, nghĩ thầm hẳn người chủ nơi đây cũng rất yêu mến loại hình sân khấu Việt Nam mới có thể xây nên một nhà hát chuẩn như thế dù chỉ có 150 ghế thôi. Họ đặt vấn đề rằng muốn có một điểm văn hóa – nghệ thuật để phục vụ cộng đồng dân cư quanh đây.
Đó là tư tưởng rất cộng hưởng với mình nên tôi chỉ mất một tuần để quyết định, một tháng để chuẩn bị khai trương. Tôi đã nghĩ ngay sẽ đưa “Ngẫm Kiều” về nhà hát công diễn khai trương liên tiếp ba ngày 14, 15 và 16/11. “Ngẫm Kiều” khai trương sân khấu sẽ là bản đầy đủ với độ dài hơn 1 tiếng đồng hồ.
Sân khấu của Hồng Vân tháo dỡ ngày 2/10. |
- Lúc phải chia tay đứa con tinh thần 14 năm, chị muốn buông xuôi tất cả?
Không chỉ lúc đóng cửa rạp Superbowl mà tôi từng có không ít lần muốn dừng tất cả vì mình không còn nhiều sức khỏe, không biết đủ sức làm hoài hay không. Nhưng cứ muốn dừng, tôi lại nhìn các em học trò của mình thì không cầm lòng được. Tôi thấy tôi hồi đó trong các em, đam mê lắm, thương lắm!
Vì thế, tôi nhủ rằng sứ mạng của mình chắc vẫn còn nên chưa được dừng lại. Đang lúc băn khoăn, phía Nhà hát Chợ Lớn đã liên hệ đặt vấn đề, tạo cho tôi sự cộng hưởng. Các em học trò sẽ có một chỗ học rất tốt. Sáng nay 18/10 là ngày đầu tiên các em về sân khấu mới học, thầy Hữu Châu đứng lớp.
Tôi lấy tên cũ là Sân khấu kịch Hồng Vân. Việc lấy tên cũ cũng không phải chuyện gì to tát nhưng tôi muốn khán giả hoặc người yêu mến mình biết tôi vẫn còn làm sân khấu ở đó.
- Vấn đề sức khỏe của chị thực hư thế nào mà chị lo đến vậy?
Tôi vẫn cập nhật sức khỏe thường xuyên, đều đặn. Vì ý thức mình đã có tuổi từ nhiều năm trước, tôi có kế hoạch đào tạo người kế thừa mình và tôi đã làm được. Tôi không nói gở, chỉ là có thể nếu mình lơi việc thì mọi thứ vẫn cứ vận hành. Chẳng hạn, khi tôi đi công việc riêng hoặc đi nước ngoài, các em ở nhà vẫn vận hành mọi thứ bình thường. Chỉ những vấn đề lớn trong đối nội, đối ngoại thì tôi mới phải tự quyết định.
Vở diễn bây giờ các bạn đã có thể tự dựng, tôi chỉ cố vấn nghệ thuật. Trong sân khấu, người nào đi trước sẽ hướng dẫn người đi sau. Khi học xong, các em sẽ diễn các vở chuyển thể từ văn học để tốt nghiệp. Đó là cách để chúng tôi truyền nghề cho lớp sau.
- Có tuổi, chị đã tính khi nào nghỉ hưu?
Không, không! Tôi vẫn cứ vừa làm vừa nghỉ dưỡng thôi, chuyện kế hoạch dưỡng già tính sau.
Ở tuổi này, tôi không mong gì hơn sức khỏe. Mọi thứ hiện tại của tôi đều đang ổn định cả rồi. Tôi có một gia đình hạnh phúc, thuận thảo, vợ chồng yêu thương nhau, các con ngoan ngoãn. Tôi cũng chẳng mong mỏi gì hơn, nên giờ chỉ cầu sức khỏe để tôi có thể hoàn thành tâm nguyện tìm một người kế thừa, duy trì sân khấu của mình.
Với lớp nghệ sĩ sân khấu sau này, chúng tôi chắc chắn có thế hệ kế thừa nhưng quan trọng kế thừa ở mức độ nào. Tôi thấy rất khó nói vì mỗi người có tâm huyết, định hướng và cách yêu nghề khác nhau. Vì vậy, họ kế thừa đến mức độ nào là do tự thân mỗi người thôi. Cục diện sân khấu ở thành phố này rồi sẽ đi đâu, về đâu, tôi không thể nói trước được.
Năm nay là một năm buồn, các nghệ sĩ gạo cội đi trước và cả cùng thời tôi lần lượt ra đi. Buồn là đương nhiên nhưng tôi nghĩ chuyện sinh lão bệnh tử là dòng chảy của cuộc đời, có ai cản được đâu? Dù có buồn, chúng tôi cũng phải hết buồn để bước tiếp. Nếu “đến lượt” mình, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình đã hoàn thành sứ mệnh, buông tay rồi thôi.
Gia Bảo
Minh Nhí, Hồng Đào, Đức Hải... hết lời chia sẻ, động viên NSND Hồng Vân trước cảnh đóng cửa rạp 14 năm.